Ẩm thực cơm nhà Việt Nam
Bữa cơm gia đình Việt là nét văn hóa tuyệt đẹp của dân tộc. Bữa cơm nhà là nơi gặp mặt, gắn kết giữa các thế hệ, các thành viên trong gia đình. Bữa cơm nhà không phải là buổi tiệc thịnh soạn với nhiền món ăn cao sang, sơn hào hải vị.
Bữa ăn ngon đầy đủ dinh dưỡng, với không khí đầm ấm chính là nguồn năng lượng bảo vệ sức khỏe cho cả nhà. Qua bữa ăn mọi thành viên cảm nhận sự kết nối, quan tâm lẫn nhau, tình thương ấm áp, chia sẻ và giải tỏa căng thẳng, phiền muộn trong cuộc sống.
Tại sao người Việt lại có cách gọi mâm cơm gia đình? Ngày xưa, người Việt có thói quen dọn cơm vào mâm, tất cả món ăn được dọn chung trong một mâm và dọn cùng một lúc, khác với cách dùng cơm của phương Tây, dọn từng món khi thưởng thức hết mới dọn món tiếp theo. Trong mâm cơm của người Việt chủ yếu dùng đũa, cách cầm đũa cho khéo để gắp thức ăn không rơi cũng cần cả quá trình học.
Trong bữa ăn cơm nhà của người Việt, thể hiện tinh thần “kính trên nhường dưới”, thể hiện sự kính trọng yêu thương dành cho người lớn tuổi, những phần thức ăn ngon, phần cơm mềm dẻo được mời ông bà, cha mẹ. Ngoài ra, trẻ em là đối tượng được ưu tiên trong bữa cơm gia đình, thể sự yêu thương, bao bọc, che chở của các thành viên trong gia đình. Người Việt rất hiếu khách, nên khách mời luôn được sắp xếp một vị trí ưu tiên trong mâm.
Truyền thống bữa cơm gia đình của Việt Nam
Việc ăn uống không chỉ đơn thuần để đáp ứng dinh dưỡng và năng lượng mỗi ngày mà còn tạo nên nét văn hóa ẩm thực độc đáo của mỗi quốc gia, vùng miền.
Trải qua hàng nghìn năm, văn hóa ẩm thực Việt đã hình thành những giá trị tốt đẹp được gìn giữ và lưu truyền đến tận ngày nay. Trong văn hóa ẩm thực Việt, bữa cơm gia đình chứa đựng nhiều giá trị sâu xa, ý nghĩa.
Những món ăn dân dã ba miền trong bữa cơm gia đình Việt Nam
Các món ăn trong bữa cơm gia đình Việt có sự pha chế tổng hợp, đa dạng nguyên liệu.Tuy nhiên món cơm nhà hàng ngày của Việt Nam thường không là những món món ăn cầu kỳ,nấu nướng phức tạp. Một mâm cơm về cơ bản gồm cơm, món mặn, món xào, canh.
Các món ăn thường thấy trong bữa ăn Việt như cơm cháy, kho quẹt, cá kho,... được nấu với đậm đà gia vị và cái tâm của người chế biến.
Mỗi vùng miền sẽ có những món ăn đặc trưng khác nhau. Bữa cơm cũng sẽ khác nhau tùy thuộc vào từng vùng miền.
Các món ăn của người miền Bắc thường có vị vừa phải, không quá cay nồng hay quá béo ngọt. Nước chấm được người miền Bắc ưa dùng là nước mắm loãng hoặc mắm tôm.Các món mặn chủ yếu được chế biến từ thịt, cá. Các món ăn miền Bắc thường thanh đạm hoặc có vị chua nhẹ như món canh sấu nấu sườn heo, rau muống luộc, thịt kho. Người miền trong bữa ăn lại hay có các loại dua, cà muối kèm theo.
Nếu ẩm thực miền Bắc có sự nhẹ nhàng và tinh tế, thì ẩm thực miền Trung là sự đậm đà mạnh mẽ, người Trung có thói quen nêm gia vị đậm và cay nồng hơn. Nổi bật là mắm ruốc, mắm tôm chua, các loại nguyên liệu được sử dụng cũng phong phú và đa dạng hơn.
Khác với miền Bắc, món ăn miền Trung không cầu kỳ trong cách chế biến, nhưng lại sử dụng các nguyên liệu vô cùng dân dã và gần gũi.
Miền Trung gắn liền với cuộc sống sinh hoạt của con người nơi đây. Chính môi trường khắc nghiệt và sự nghèo khó, gian khổ của cuộc sống đã ảnh hưởng, chi phối rất lớn tới nền ẩm thực của mảnh đất nắng và gió.
Các món đặc sản miền Trung nức tiếng gần xa bởi vị đậm đà, cay nồng như nghĩa tình, dân giã và dung dị của con người.
Cách chế biến các món ăn cũng rất đơn giản. Thay vì ướp rất nhiều loại gia vị để khử mùi tanh của hải sản thì người miền Trung lại cố gắng giữ lại gần như trọn vẹn hương vị nguyên sơ tự nhiên của thực phẩm. Nếu bạn đã từng thưởng thức qua những món canh cá thì bạn sẽ thấy rõ điều đó như một trong những nét đặc trưng văn hóa ẩm thực miền Trung.
Phong cách ăn uống của người miền Trung cũng có những nét độc đáo riêng. Người miền Trung thích những món ăn cay nồng, đậm đà và màu sắc bắt mắt thường thiên về màu nâu sậm và màu đỏ.
Khác với ẩm thực miền Bắc và miền Trung, khẩu vị của người miền Nam thiên về ngọt, cay và béo bùi. Các món ngon đều nấu với nước cốt dừa. Điều này thể hiện qua các món mắm cá sặc, mắm ba khía, hay những món ăn nấu cùng nước dừa. Người miền Nam ưa thích các món ăn từ hải sản đặc biệt là các loại cá. Như canh chua, cá kho, tép rang.
Nền văn hóa ẩm thực miền Nam đơn giản nhưng cũng vô cùng phóng khoáng như chính người dân sinh sống trên mảnh đất này. Các món ăn đặc sản miền Nam đa dạng và luôn có sự thay đổi linh hoạt với hương vị đặc trưng là cay, ngọt và béo.
Đặc điểm nổi bật của khẩu vị Nam Bộ là cay, ngọt, chua. Để các vị này, người Nam Bộ thường dùng ớt, me, đường cho vào trực tiếp để chế biến món ăn.
Do đặc điểm địa hình và sinh hoạt kinh tế, văn hóa Nam Bộ đã định hình nền văn minh sông nước, ở đó nguồn lương thực – thực phẩm chính là gạo, cá và rau quả kể cả các loại rau đồng, rau rừng. Từ sự phong phú ấy mà trải qua quá trình khai hoang bờ cõi, món ăn, thức uống hàng ngày của người Nam Bộ cho dù trong hoàn cảnh nào, thiếu thốn đạm bạc, họ không thể không khám phá và sáng tạo nhiều phương thức nuôi trồng, đánh bắt để chế biến vô số miếng ngon một cách có bài bản từ những đặc sản của địa phương.
Tất cả các món ăn Nam bộ đều mang phong cách của vùng sông nước phương Nam vốn rất hoang dã, hào phóng. Chỉ cần những nguyên liệu đơn sơ, bình dị là có thể tạo nên một phong thái riêng cho các món ăn của vùng đất này.
Có thể nói, các món ăn trong bữa ăn của ba miền còn thể hiện văn hóa địa lý như: món ăn miền Bắc thường chặt to kho mặn, nhiều mỡ để thích ứng với điều kiện tự nhiên khắc nghiệt hơn và khí hậu lạnh; trong khi miền Trung món ăn thường có vị cay để điều hòa âm dương khi chế biến hải sản, còn món ăn miền Nam có vị ngọt vì thường có thêm vị ngọt của dừa trong chế biến món ăn, cộng với sự giao lưu văn hóa rõ nét, cũng như thể hiện điều kiện tự nhiên thuận lợi.