1 2 3 4 5 6 7
Đinh hương

Đinh hương

Đinh hương là cây thường xanh có thể cao tới 10–20 m, có các lá hình bầu dục lớn và các hoa màu đỏ thẫm mọc thành cụm ở đầu cành. Các chồi hoa ban đầu có màu nhạt và dần dần trở thành màu lục, sau đó chúng phát triển thành màu đỏ tươi, là khi chúng đã có thể thu hoạch. Các hoa được thu hoạch khi chúng dài khoảng 1,5–2 cm, bao gồm đài hoa dài, căng ra thành bốn lá đài hoa và bốn cánh hoa không nở tạo thành viên tròn nhỏ ở trung tâm.
Tinh dầu đinh hương có các tính chất gây tê và kháng vi trùng, và nó đôi khi được dùng để khử mùi hôi của hơi thở hay để cải thiện tình trạng đau răng. Nó hoặc thành phần chính của nó, eugenol, được các nha sĩ sử dụng để làm dịu cơn đau sau khi nhổ răng sâu và nó là mùi đặc trưng trong các phòng mạch nha khoa. Tinh dầu đinh hương cũng được sử dụng trong hỗn hợp choji truyền thống (1% tinh dầu đinh hương trong dầu khoáng) và nó được dùng để lau chùi các lưỡi kiếm của người Nhật để ngăn cản sự mờ xỉn của mặt được đánh bóng.

Đinh hương có thể dùng trong nấu ăn hoặc là ở dạng nguyên vẹn hay ở dạng nghiền thành bột, nhưng do nó tạo mùi rất mạnh cho nên chỉ cần dùng rất ít. Gia vị làm từ đinh hương được dùng khắp cả ở châu Âu và châu Á cũng như được thêm vào trong một số loại thuốc lá (gọi là kretek) ở Indonesia và thỉnh thoảng ở các quán cà phê tại phương Tây. Nó đôi khi còn được trộn lẫn với cần sa. Đinh hương còn là một nguyên liệu quan trọng trong sản xuất các loại hương dùng ở Trung Quốc hay Nhật Bản. Tinh dầu đinh hương được sử dụng trong điều trị bằng xoa bóp dầu thơm. Dầu đinh hương được sử dụng rộng rãi trong điều trị đau răng.

Trong y học cổ truyền người ta còn dùng nụ hoa đinh hương phơi khô như một vị thuốc với tác dụng làm ấm tỳ, vị, thận và bổ dương. Các vị thuốc khác được phối hợp tùy theo chứng bệnh, bao gồm bán hạ, sinh khương, sa nhân, bạch truật, nhân sâm, đẳng sâm, phụ tử, nhục quế, ba kích thiên, dâm dương hoắc.

Đọc thêm