Vịt nấu chao
Vịt nấu chao được xem là món đặc sản dân dã của người dân miền Tây sông nước, đó là sự kết hợp độc đáo của thịt vịt, khoai môn và chao, đem đến một món ăn có hương vị đặc biệt. Nồi vịt nấu chao nóng hổi, bốc hơi nghi ngút, khi ăn cảm nhận ngay vị dai ngọt đậm đà của thịt vịt, vị thơm lạ, ngầy ngậy của chao và vị béo bùi của khoai môn rất hấp dẫn, ăn cùng cơm nóng hoặc bún tươi thì ngon tuyệt. Đối với những người chưa biết ăn chao, lần đầu thưởng thức món này sẽ thấy hơi khó ăn nhưng khi ăn lần 2, lần 3 thì sẽ nghiền.
Theo kinh nghiệp dân gian, vịt nấu chao là món ăn có sự hài hòa âm dương; theo đó, thịt vịt có tính hàn, kết hợp với các gia vị tính nóng như rượu, gừng, tỏi một cách hài hòa, không chỉ giúp món ăn thơm ngon hơn mà còn tốt cho sức khỏe.
Đọc thêmNGUYÊN LIỆU
Vịt: ½ con, khoảng 1kg
Chao đỏ: 2 viên
Chao trắng: 7 viên
Khoai môn: 300g
Hành khô: 3 củ
Tỏi khô: 1,5 củ
Gừng tươi: 1 củ Nước dừa: 1 trái
Hành lá: 5 cây
Rượu trắng: 3 thìa
Bún tươi: 1kg
Các loại rau sống ăn kèm
Chanh tươi: 1 trái
Các gia vị thường dùng: muối, nước mắm, đường, hạt tiêu, hạt nêm
CÁCH THỨC LÀM
Gừng cạo vỏ, rửa sạch, thái nhỏ, chia thành 2 phần.
Thịt vịt sơ chế thật sạch, chặt miếng vừa ăn, bạn ướp vịt với rượu và ½ lượng gừng đập dập để khử mùi hôi của vịt. Thời gian ướp khoảng 15 phút, sau đó rửa lại với nước cho hết mùi rượu. Ngoài ra, bạn có thể khử mùi từ ban đầu bằng cách dùng rượu trắng hoặc rượu gừng chà xát lên mình con vịt, sau đó rửa lại với nước rồi chặt miếng vừa ăn. Nếu không thích mùi rượu, bạn có thể dùng chanh hoặc muối + giấm để thay thế.
Khoai môn gọt vỏ, rửa qua với nước cho sạch, cắt khoai thành những miếng vừa ăn dày khoảng 1,5 – 2cm. Ngâm khoai vào thau nước lạnh cho hết nhựa và không bị thâm đen. Ngâm khoảng 20 phút thì vớt ra để ráo.
Tỏi bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ, chia thành 3 phần.
Hành khô bóc vỏ, đập dập, băm nhỏ.
Hành lá nhặt gốc, rửa sạch, băm nhỏ.
Chanh bổ đôi, vắt lấy nước cốt, để riêng.
Xà lách và các loại rau sống ăn kèm bạn nhặt sạch, rửa với nước muối pha loãng rồi vớt ra, để ráo.
Chiên khoai môn
Khoai môn sau khi ngâm nước và để ráo, bạn bắc chảo lên bếp với lượng dầu vừa đủ, cho khoai vào chiên sơ rồi vớt ra, để ráo dầu. Làm như vậy sẽ giúp khoai cháy cạnh, khi nấu không bị nhừ và nát. Lưu ý:
+ Bạn chỉ cần chiên cho khoai cháy cạnh là được, không cần chiên chín.
+ Dùng một chút dầu để chiên là được, không cần nhiều.
Ướp thịt vịt
Thịt vịt sau khi sơ chế và khử mùi hôi, bạn ướp thịt với 2 viên chao đỏ, 2 viên chao trắng, 1 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê hạt tiêu, 1 thìa cà phê hạt nêm, chút muối, 1 phần tỏi và toàn bộ hành khô băm nhỏ. Trộn đều hỗn hợp thịt rồi ướp trong khoảng 2 tiếng cho thấm gia vị.
Lưu ý, chao đã mặn sẵn nên khi ướp và nấu, bạn nêm nếm gia vị vừa đủ để tránh món ăn bị mặn.
Pha nước chấm thịt vịt nấu chao
Cách làm vịt nấu chao ngon hay không phụ thuộc rất nhiều vào nước chấm, đặc biệt nước chấm của món này cũng được làm từ chao. Bạn cho 5 miếng chao trắng, 2 thìa cà phê đường, 1 phần tỏi, chút ớt băm, gừng thái nhỏ, thêm nước cốt chanh rồi đánh đều lên tạo thành hỗn hợp chao sền sệt.
Tiến hành nấu
Bắc chảo lên bếp với chút dầu ăn, khi dầu nóng bạn cho 1 phần tỏi vào phi thơm vàng. Tiếp đó, trút hết thịt vịt vào chảo, xào khoảng 5 phút thì hạ lửa nhỏ và đun thêm khoảng 20 phút cho vịt chín, thịt săn lại và thấm gia vị đậm đà.
Sau 20 phút, bạn đổ nước dừa vào nồi rồi thêm khoai môn chiên vào nấu, bật lửa lớn cho nước nhanh sôi. Khi nước sôi, nêm nếm gia vị vừa ăn, hạ lửa nhỏ rồi đun khoảng 15 phút cho khoai môn chín. Dùng đũa kiểm tra, nếu thấy khoai chín nhừ thì tắt bếp, rắc chút hành lá lên trên là đã hoàn thành rồi!
Múc thịt vịt ra tô ăn với cơm hoặc bún. Ngoài ra, bạn có thể cho vịt nấu chao vào nồi lẩu, nhúng các loại rau sống và ăn kèm với bún hoặc mì. Khi ăn, chấm thịt vịt vào chén nước chấm rồi thưởng thức.