Bánh tét lá cẩm
Đây là loại bánh truyền thống của họ Huỳnh tại Cần Thơ. Bánh do bà Sáu Trọng (tức Huỳnh Thị Trọng) phát minh vào những năm 60 của thế kỷ trước. Về sau lang truyền khắp vùng Cần Thơ, rồi tiếp tục lan khắp miền Tây.
Bánh tét lá cẩm nhà họ Huỳnh do bà Huỳnh Thị Trọng “cầm chịch”. Bà Trọng cho biết bà được chồng là ông Đường Hữu Kiết truyền dạy nghề làm bánh Tây. Hơn 40 năm kể từ ngày chồng mất, ngoài làm bánh Tây, bà Trọng còn làm những món bánh ta đặc sản mà bà học được từ thời thiếu nữ. Trong số các loại bánh dân gian, món xôi lá cẩm của bà Trọng ngon nổi tiếng. Từ đó, bà nghĩ cái màu lá cẩm đẹp đến mê mắt, sao mình không chuyển nó sang những đòn bánh tét trắng trơn, đơn điệu từ bao đời nay? Thế là qua tay bà Trọng, món bánh tét lá cẩm “quyến rũ” đã ra đời.
Có đòn bánh màu sắc đẹp mắt rồi, bà Trọng lại bắt đầu “cách tân” nhưn bánh. Tham khảo nhưn bánh ú tôm thịt của người Tiều (Triều Châu, Trung Quốc), bà Trọng thử đưa tôm khô, lòng đỏ hột vịt muối, lạp xưởng... vào trong đòn bánh tét truyền thống (vốn chỉ đơn giản với đậu xanh nhưn mỡ) để biến thành món bánh tét lá cẩm hiện đang chiếm lĩnh thị trường. Theo bà Trọng, bánh tét lá cẩm nhà họ Huỳnh là một “tập đoàn”, được phân bổ trên thị trường như sau: Tài Hoa (kết hợp tên con trai và con dâu), Bé (của con rể bà Trọng) và của người anh cả Đường Hữu Kiệt. Ba lò này hoạt động từ ba chục năm nay. Lò bánh Bé bán chợ Bình Thủy; lò Tài Hoa bán ở chợ An Nghiệp và lò Kiệt chỉ làm bán dịp Tết Nguyên đán, theo nhu cầu của khách hàng.
Hiện nay bánh tét lá cẩm tại Cần Thơ có bốn loại:
-Nhân thập cẩm: đậu, thịt mỡ, lạc xưởng, trứng muối.
-Nhân mỡ: đậu, thịt mỡ.
-Nhân đậu: đậu ngọt.
-Nhân chuối: chuối ngọt.
Tuy nhiên nhân đậu ngọt thường ít phổ biến hơn.
Bánh được làm theo một công thức nghiêm ngặt, nên giá trị từng đòn khiến bất cứ khách hàng nào cũng hài lòng khi có dịp thưởng thức. Để có những đòn bánh tét như ý, khâu nào cũng quan trọng. Đầu tiên là nếp. Để có những hột nếp ngon, phải là nếp không lộn gạo. Lá cẩm tươi, rửa sạch, nấu, lược lấy nước làm màu bánh. Đậu xanh ngâm, nấu nhừ. Nước cốt dừa nạo... Cho gạo trộn nước lá cẩm và nước cốt dừa, nêm nếm muối, đường, xào trên bếp lửa, khoảng 1 tiếng đồng hồ cho màu lá cẩm cũng như nước cốt dừa ngấm đầy hột nếp, vừa chín khoảng 30%. Xào là khâu quan trọng. Xào dư nước, bánh nhão, bời rời, chèm nhẹp. Để có bánh ngon phải buộc bánh bằng dây nylon. Xưa kia, theo truyền thống, bánh tét phải cột bằng dây lát. So với dây lát, dây nylon có ưu điểm là chắc, buộc lẹ, năng suất cao. Bánh tét phải nấu bằng củi, khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ.
Đọc thêm