Bánh cống
Bánh cống là một món ăn ở tỉnh Sóc Trăng, Việt Nam, là đặc sản của người Khmer Nam bộ nhưng hiện nay bánh cống đã phổ biến khắp miền Tây Nam Bộ. Thường bánh cống được bán với bánh xèo và bánh khọt.
Bánh có độ giòn và cách làm là bỏ bột chiên và tôm lên trong khuôn như bánh tôm Hồ Tây của người Hà Nội, dụng cụ chiên bánh là vật bằng kim loại có hình dáng như chiếc cống lấy nước măm hoặc nước tương khi xưa trước kia nên có tên là bánh cống.
Bánh có màu hơi sậm chứ không tươi như những nơi khác nhưng lại có mùi thơm và cực kỳ hấp dẫn. Bánh không quá lớn cũng không quá nhỏ, trên mặt bánh, một con tôm nằm khoanh tròn trông rất hấp dẫn. Cắn vào một miếng, bột bánh giòn tan lan toả trong miệng, mùi vị thơm nức, đượm béo của ít mỡ sa, ít đậu xanh và thịt nữa. Nhưng bánh là hỗn hợp của thịt heo băm nhuyễn trộn với củ sắn và đậu xanh nguyên hột… Mọi thứ hoà quyện nhau tạo nên hương vị đặc trưng cho bánh cống Sóc Trăng.
Bánh không quá nhiều mỡ như những nơi khác nên bánh hơi khô, độ béo vừa phải, không béo ngậy. Đặc biệt bánh không ăn với cải xanh, mà ăn với bắp cải, rau răm, xà lách, diếp cá. Chính điều này đã tạo nên nét riêng cho bánh cống Sóc Trăng. Ăn một cái, chưa thấm tháp gì; ăn thêm cái thứ hai, thứ ba thấy vẫn chưa đã thèm; ăn tiếp cái thứ tư, có thể sẽ không thêm được nữa, nhưng dư hương của nó vẫn đeo bám bạn cả một chặng đường…
Đọc thêm